Thứ gì là hữu dụng, thứ gì là vô dụng, đều chỉ là một khái niệm tương đối, là một cặp đối lập mâu thuẫn. Không có hữu dụng thì không có vô dụng; không có vô dụng thì không thể có hữu dụng. Trong điều kiện nhất định, hữu dụng và vô dụng chuyển hoá lẫn nhau. Vì vậy, vạn vật trong thế gian đều có đạo lý tồn tại riêng của nó, đều có tác dụng riêng của nó. Có điều, có thứ tạm thời không dùng đến mà thôi.
VÔ DỤNG LÀ HỮU DỤNG, HỮU DỤNG LÀ VÔ DỤNG
Cổ nhân từng nói: “Thứ bắt được chim chỉ là một mắt lưới trên tấm lưới. Tuy nhiên chỉ giăng một mắt lưới để bắt thì sẽ không bao giờ bắt được chim. Chim sở dĩ có thể bay cao, là nhờ sáu chiếc lông khoẻ mạnh, tuy nhiên không có tác dụng của biết bao cái lông nhỏ, thì chim không thể bay xa”.
Theo đó suy ra, thứ trông có vẻ vô dụng, nhưng thực tế lại có tác dụng rất lớn. Bởi vậy Huệ Tử nói với Trang Tử: “Lời nói của thầy đều không có tác dụng thực tế”. Trang Tử nói: “Biết những thứ gì vô dụng mới có thể nói những lời hữu dụng với người ta. Trời đất không phải là không rộng lớn, nhưng chổ mà một người chiếm chỉ là chổ đứng chân mà thôi. Tuy nhiên, nếu đào những chổ khác xuống đến tận suối vàng, thì chổ thầy đứng có còn hữu dụng không?”. Huệ Tử nói: “Đương nhiên là vô dụng”. Trang Tử nói:”Từ đó có thể thầy vô dụng chính là hữu dụng, đạo lý này cũng rất rõ ràng”.
Ngày trước Trần Bình túc trí đa mưu mà bị Lưu Bang hoài nghi, còn Chu Bột chất phác, trung tín có nghĩa là được tín nhiệm. Khi lòng nhân nghĩa của hai bên không đủ tín nhiệm nhau, thì người thông minh sẽ bị hoài nghi vì chính sự mưu trí hơn người của mình, còn người chất phác thì lại được tín nhiệm vì chính sự không đủ thông minh của mình.
Suy ra, vô dụng cũng chính là hữu dụng. Những người không hiểu đạo lý này sẽ xem nhẹ lĩnh vực tưởng như vô dụng này, xem thường những hành vi tưởng như không mang lại kết quả. Thậm chí chê cười kế sách lâu dài, xem thường những bậc lương đống bài xích nước nhà, như thế thi thật quá đáng.
BÌNH GIẢI
Có người ăn ba cái rưỡi bánh thì no, anh ta ân hận: “Sớm biết ăn nửa cái bánh đã no, thì việc gì phải bỏ tiền ra mua ba cái bánh?”. Theo anh ta, ba cái bánh đầu tiên vô dụng. Nhưng có thật ba cái bánh đầu tiên này vô dụng trong việc làm cho anh ta no hay không? Một cái mắt lưới thì không thể bắt được chim. Thật sự hiểu rõ mối quan hệ giữa hữu dụng và vô dụng thực ra không khó.
………………………………………………………………………………
Trích ‘TIẾT 22: DỤNG VÔ DỤNG’ | Sách: Trí Tuệ Trường Đoản Kinh